Tổng kết Chương trình CPD số 03 – Quá trình học tập không ngừng của kiến trúc sư

Trong quá trình hành nghề kiến trúc, việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp và học tập liên tục là điều rất cần thiết đối với kiến trúc sư. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và học tập không ngừng đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức thành công Chương trình đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) số 03. Với sự tham gia của các kiến trúc sư từ khắp mọi miền của tổ quốc, chương trình trực tuyến đã khép lại sau 2 ngày 15-16/06 cùng nhiều phản hồi tích cực từ các học viên. Thông qua 5 chuyên đề chính, chương trình không chỉ giúp bổ sung các kiến thức chuyên sâu về ngành nghề, mà còn cung cấp các kỹ năng mềm chuyên biệt dành cho các kiến trúc sư.

Chương trình đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) số 03.

Chuyên đề 1: An toàn cháy trong kiến trúc cao tầng và siêu cao tầng trên thế giới và tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục ghi nhận nhiều trường hợp cháy xảy ra tại các nhà cao tầng và siêu cao tầng. Điều này đã cho thấy rằng, yếu tố an toàn cháy nên được chú trọng nhiều hơn trong các công trình nhà ở và xây dựng. Vậy, các kiến trúc sư cần phải làm gì để đảm bảo yếu tố an toàn chống cháy trong các công trình kiến trúc của mình khi đưa vào thực tế?

Để giải đáp câu hỏi này, PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi – Giảng viên cao cấp, Phó Chủ tịch HĐ Kiến trúc Hội KTSVN, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc – ĐHXD, Thành viên mạng lưới Nghiên cứu và Đào tạo An toàn cháy Châu Á đã giảng dạy chuyên đề: “An toàn cháy trong kiến trúc cao tầng và siêu cao tầng trên thế giới và tại Việt Nam”.

Trong phần trình bày của mình, KTS Doãn Minh Khôi đã đưa ra các cơ sở khoa học và thực tiễn liên quan tới giải pháp an toàn cháy trong thiết kế quy hoạch và kiến trúc nhà cao tầng và siêu cao tầng tại Việt Nam. Ngoài ra, diễn giả cũng đã đưa các giải pháp an toàn phòng cháy, chống hỏa hoạn lan rộng, lánh nạn và thoát hiểm trong nhà cao tầng và siêu cao tầng.

Chuyên đề: “An toàn cháy trong kiến trúc cao tầng và siêu cao tầng trên thế giới và tại Việt Nam”.
PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi.

Chuyên đề 2: Kỹ năng thuyết trình và bảo vệ đồ án thiết kế kiến trúc

Trong quá trình làm việc, để trình bày các ý tưởng và thuyết phục các nhà đầu tư về các công trình của mình, các kiến trúc sư cũng nên chuẩn bị cho mình kỹ năng thuyết trình và trình bày dự án. Chính vì vậy, ngoài việc cung cấp những kiến thức ngành nghề, Chương trình CPD số 03 còn lồng ghép những chuyên đề bổ túc về kỹ năng mềm dành cho các kiến trúc sư. 

Cụ thể hơn, trong chuyên đề “Kỹ năng thuyết trình và bảo vệ đồ án thiết kế kiến trúc”, TS. KTS. Trần Thanh Bình – Nghiên cứu viên cao cấp, Ủy viên HĐ Kiến trúc Hội KTSVN, Nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Trường học đã giới thiệu tới các kiến trúc sư về cách chuẩn bị, trình bày và bảo vệ ý tưởng, cũng như thuyết phục các nhà đầu tư, các khách hàng,… 

Đây là một trong những kỹ năng không thể thiếu đối với các kiến trúc sư khi trình bày các ý tưởng của mình. Chuyên đề này đã cung cấp các kiến thức để giúp các kiến trúc sư tránh khỏi việc lúng túng khi thuyết trình, đồng thời đưa ra những lời khuyên để có thể trình bày tốt nhất về dự án của mình. Khi đã có trong tay các công trình kiến trúc đẹp và xuất sắc, các kiến trúc sư cũng cần có kỹ năng trình bày và thuyết phục để có thể thể hiện được hết những đặc điểm nổi bật trong công trình của mình.

Chuyên đề “Kỹ năng thuyết trình và bảo vệ đồ án thiết kế kiến trúc”.
TS. KTS. Trần Thanh Bình.

Chuyên đề 3: Quản trị văn phòng kiến trúc từ kinh nghiệm quốc tế

Để có thể mở một văn phòng kiến trúc của riêng mình, các kiến trúc sư cũng cần phải nắm vững những kiến thức sâu rộng về quản trị doanh nghiệp. Để cung cấp thêm thông tin về lĩnh vực này, ThS. KTS. Ngô Ngọc Lê – Giám đốc văn phòng KTS Ngô Ngọc Lê và cộng sự đã chia sẻ về các kinh nghiệm làm việc tại các văn phòng kiến trúc tại Pháp và trải nghiệm quản lý văn phòng kiến trúc của mình trong chuyên đề: “Quản trị văn phòng kiến trúc từ kinh nghiệm quốc tế”.

Việc sở hữu một văn phòng kiến trúc không chỉ dừng lại ở kỹ năng hành nghề, các kiến trúc sư cũng cần hiểu về cách tổ chức nhân sự và quản trị con người, kiểm soát dòng tiền, quản lý thời gian và hiệu quả công việc, phòng chống rủi ro,… Tất cả những nội dung này đều được KTS. Ngô Ngọc Lê làm rõ trong phần trình bày chi tiết của mình. Đó đều là những kinh nghiệm và chia sẻ được đúc kết từ việc quản trị văn phòng kiến trúc của diễn giả.

Chuyên đề: “Quản trị văn phòng kiến trúc từ kinh nghiệm quốc tế”.
ThS. KTS. Ngô Ngọc Lê
.

Chuyên đề 4: Vấn đề tác quyền trong kiến trúc

Là những người thực hành trong ngành công nghiệp sáng tạo, chắc hẳn các kiến trúc sư sẽ khó tránh khỏi hiện tượng trùng lặp ý tưởng hay tái hiện ý tưởng của người khác dưới nhiều hình thức khác nhau. Không những vậy, nguy cơ các ý tưởng của các kiến trúc sư bị sử dụng lại mà không được cho phép vẫn luôn hiện hữu hàng ngày.

Để hạn chế tình trạng đó, ThS.KTS. Nguyễn Huy Khanh – Nguyên Phó TGĐ Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC), Chủ tịch Chi Hội KTS VNCC đã trình bày và giải thích về Quyền tác giả, Luật Sở hữu Trí tuệ cùng các chủ đề liên quan trong chuyên đề “Vấn đề tác quyền trong kiến trúc”.

Đây là những kiến thức không thể thiếu của các kiến trúc sư để hiểu về phạm vi hoạt động của mình, tránh vi phạm pháp luật, cũng như để tự lưu ý và bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình hành nghề. 

Chuyên đề “Vấn đề tác quyền trong kiến trúc”.
ThS.KTS. Nguyễn Huy Khanh.

Chuyên đề 5: Truyền thông trong hành nghề kiến trúc

Khi đã hiểu rõ về cách quản trị và phạm vi hoạt động của mình, các kiến trúc sư cũng cần lưu ý nhiều hơn về công tác truyền thông và xây dựng hình ảnh của mình. Đặc biệt, trong thời đại 4.0 khi mạng xã hội vô cùng phát triển, cũng như trong bối cảnh Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mới được ra mắt trong tháng 6 vừa qua, truyền thông xã hội gần như là những yêu cầu không thể không có đối với các kiến trúc sư.

Để làm rõ về chủ đề này, KTS. Vương Đạo Hoàng – Giám đốc và Nhà sáng lập Công ty CP Thiết kế & Truyền thông Kiến Việt, cùng với Thạc sỹ – Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Tư vấn Truyền thông tại Công ty Thiết kế & Truyền thông Kiến Việt đã cùng nhau chia sẻ về chủ đề xây dựng hình ảnh kiến trúc sư và văn phóng tại chuyên đề: “Truyền thông trong hành nghề kiến trúc”. Các diễn giả đã làm rõ các yếu tố truyền thông trong nghề kiến trúc, trong đó bao gồm các chiến lược, công cụ và giải pháp truyền thông đặc thù dành cho các kiến trúc sư. Qua đó, các học viên có thể hiểu hơn về mối liên hệ giữa việc xây dựng hình ảnh kiến trúc sư và văn phòng kiến trúc. 

Chuyên đề: “Truyền thông trong hành nghề kiến trúc”.
KTS. Vương Đạo Hoàng (phải) & Thạc sỹ, Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành (trái)

Khép lại 02 ngày học trực tuyến, chương trình đã tiếp nhận nhiều phản hồi tích cực từ các học viên. Các kiến trúc sư đã đánh giá cao tính bổ ích, thiết thực, đa dạng và các thức tổ chức chương trình chuyên nghiệp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Xuất phát từ sáng kiến để thích nghi với tình hình dịch bệnh COVID-19, việc tổ chức chương trình trực tuyến cũng đã giúp các nội dung hành nghề này được tiếp cận gần hơn tối các kiến trúc sư từ khắp mọi miền tổ quốc.

Chương trình CPD sẽ tiếp tục tổ chức số 04 vào tháng 7 với những chủ đề đa dạng và thú vị khác dành cho các kiến trúc sư hành nghề. Hãy đón chờ chương trình tiếp theo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam vào tháng 7 này!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *