Sau đây là những thông tin chúng tôi thường nhận được liên quan đến những câu hỏi của các kiến trúc sư hành nghề trên cả nước về Chương trình Phát triển nghề nghiệp liên tục. Phần hỏi đáp này không nhằm mục đích giải thích tất cả các khía cạnh của Chương trình Phát triển nghề nghiệp liên tục theo các quy định của pháp luật hay của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà chỉ để giải quyết một số vấn đề liên quan đến đào tạo Phát triển nghề nghiệp liên tục đang được nhiều KTS quan tâm. Hỏi đáp thường gặp về chủ đề này sẽ được chúng tôi cố gắng cập nhật theo thời gian để phản ánh các yêu cầu mới nhất của Chương trình đào tạo Phát triển nghề nghiệp liên tục.
Chương trình Phát triển nghề nghiệp liên tục của Kiến trúc sư hành nghề là gì?
Theo KTS. Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam (Lời nói đầu – Sách “Đáp án 280 câu hỏi và hướng dẫn phục vụ sát hạch cấp CCHN kiến trúc”, xuất bản 2021): “Kiến thức là vô tận. Kiến trúc là sáng tạo và không ngừng đổi mới. Vì vậy, Luật Kiến trúc của nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều hướng tới hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp, thực hiện việc liên tục đào tạo và cập nhật thông tin kiến trúc là điều bắt buộc
Phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development – viết tắt là CPD) hay có nơi gọi Đào tạo nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Education – viết tắt là CPE) là hoạt động đào tạo liên tục, suốt đời để duy trì, phổ cập, bổ sung kiến thức, kỹ năng để đáp ứng đổi mới tác phẩm và dịch vụ kiến trúc cho xã hội, phù hợp với sự đổi mới khoa học, công nghệ của thời đại. Ngoài việc tuân thủ và thực thi các Quy tắc ứng xử nghề nghiệp (Đạo đức nghề nghiệp), kiến trúc sư (hành nghề) cần đề cao trách nhiệm với di sản văn hóa – kiến trúc, với thiên nhiên; có trách nhiệm bảo vệ văn hóa, kiến trúc dân tộc, đẩy lùi kiến trúc lai căng, lạc hậu… ; tăng cường học hỏi, nghiên cứu và vận dụng đúng Luật pháp, đặc biệt là Luật Kiến trúc, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu…; kiến trúc sư cũng cần thường xuyên tham dự các khóa đào tạo, hội thảo chuyên môn, viết bài, tham quan khảo sát về kiến trúc – xây dựng; tham gia Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, Quốc tế…
Việc tích lũy điểm CPD là để chứng minh quá trình học hỏi, phát triển nghề liên tục, thường xuyên của một kiến trúc sư hành nghề chuyên nghiệp với mục tiêu cơ bản là nhằm nâng cao năng lực và kĩ năng hành nghề kiến trúc của kiến trúc sư”.
Tình hình hoạt động CPD trong lĩnh vực kiến trúc Việt Nam như thế nào?
Hoạt động CPD được coi là một trong những công cụ quan trọng nhằm quản lý và phát triển đội ngũ kiến trúc sư hành nghề của nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp kiến trúc trên thế giới như Cơ quan Đăng bạ Kiến trúc sư tại Vương quốc Anh – ARB, Hội đồng Kiến trúc sư tại Singapore – BOA, NCARB tại Hoa Kỳ… Trong suốt quá trình làm nghề, kiến trúc sư (KTS) phải thường xuyên học tập (bắt buộc, tự học) nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thông qua việc tích điểm CPD theo quy định.
Ngành kiến trúc và giới KTS Việt Nam có vai trò to lớn trong việc cung cấp dịch vụ kiến trúc, phục vụ sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật – xã hội, góp phần phát triển đất nước, tạo dựng diện mạo mới cho nhiều vùng đô thị và nông thôn trên cả nước. Tuy nhiên trước khi Luật Kiến trúc ra đời, CPD là khái niệm hoàn toàn mới trong lĩnh vực kiến trúc tại Việt Nam. Quá trình hội nhập và công nhận lẫn nhau trong khối ASEAN, yêu cầu về CPD là bắt buộc. Theo đó kỹ sư và KTS Việt Nam muốn được công nhận là kỹ sư, kiến trúc sư ASEAN cũng phải đưa ra các bằng chứng (điểm) về CPD.
Các hoạt động CPD có vai trò như thế nào?
Hoạt động CPD giúp cho KTS hành nghề liên tục cập nhật kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, quy định chuyên ngành, kỹ thuật công nghệ mới, các trào lưu xu hướng kiến trúc mới và kỹ năng hành nghề, nhờ đó:
– KTS liên tục nâng cao năng lực và kỹ năng hành nghề;
– Chất lượng dịch vụ kiến trúc được nâng cao;
– Kinh tế xã hội phát triển nhờ có nhiều sản phẩm dịch vụ kiến trúc tốt;
– Cuộc sống, công việc của kiến trúc sư hành nghề được cải thiện
Mục đính của việc tính điểm CPD là gì?
Quy định chuẩn hóa hình thức, nội dung, thời lượng, chất lượng, tính điểm các hoạt động CPD của KTS hành nghề trên cả nước, đảm bảo tất cả các hoạt động đó đạt tiêu chuẩn chất lượng và được tính điểm công bằng, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hoạt động CPD có những hình thức nào?
Theo quy định của khoản 4 Điều 28 Luật Kiến trúc và khoản 1 Điều 24 Nghị định 85/2020/NĐ-CP, các hình thức hoạt động CPD gồm có:
1. Tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn, pháp luật;
2. Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn;
3. Chương trình khảo sát, tham quan học tập về lĩnh vực kiến trúc và liên quan;
4. Viết sách, bài trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành kiến trúc, viết chuyên đề tham luận hội nghị, hội thảo về kiến trúc;
5. Tham gia khóa học tập, nghiên cứu sau đại học về lĩnh vực kiến trúc;
6. Tham gia giảng dạy đại học, sau đại học và các khóa tập huấn chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc cho KTS hành nghề;
7. Nghiên cứu, sáng chế khoa học trong lĩnh vực kiến trúc được công nhận;
8. Đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc.
Tính điểm hoạt động CPD theo tiêu chí nào?
– Các hoạt động CPD sẽ được tính điểm theo bảng tra, căn cứ theo các tiêu chí:
+ Nội dung; + Hình thức; + Thời lượng (Quy định 6 giờ hoạt động CPD tương đương thời lượng 1 ngày; 1 giờ có tối đa 10 phút nghỉ giải lao).
– Nếu KTS tham dự lần thứ hai vào cùng một hoạt động được tổ chức lại trong cùng một năm sẽ không được tính điểm CPD
Chi tiết Bảng tính điểm có thể truy cập tại: Quy-dinh-bang-tinh-diem-CPD.pdf (chungchihanhnghekts.com)
Yêu cầu điểm CPD hàng năm là gì?
Theo quy định của khoản 4 Điều 24 Nghị định 85/2020/NĐ-CP, KTS hành nghề phải đáp ứng yêu cầu CPD hằng năm thông qua hình thức tích lũy tối thiểu là 04 điểm CPD. Các KTS hành nghề trên 60 tuổi phải đạt tối thiểu là 02 điểm CPD một năm. Như vậy tích đủ số điểm CPD là điều kiện tiên quyết để KTS hành nghề gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Hội KTS Việt Nam đã ban hành “Quy định chi tiết Bảng tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề”, có Phụ lục 1, 2 và 3 (Kèm theo Quyết định số 04/QĐ-KTSVN ngày 12/01/2021).
Chi tiết có thể truy cập tại: Quy-dinh-bang-tinh-diem-CPD.pdf (chungchihanhnghekts.com)
Nếu bạn thừa hay thiếu điểm CPD hàng năm thì sao?
Cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 85/2020/NĐ-CP, cá nhân đạt vượt mức yêu cầu thì được chuyển điểm CPD sang năm kế tiếp, nếu chưa đạt mức yêu cầu thì phải hoàn thành điểm CPD còn thiếu trong năm kế tiếp. Như vậy các KTS hành nghề được yêu cầu luôn luôn tự đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức về pháp luật, chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp hàng năm, chỉ được bù điểm CPD còn thiếu trong năm tiếp theo (và không hơn).
Làm thế nào để tham dự được Chương trình đào tạo CPD của Hội KTS VN?
Để từng bước triển khai chuyên nghiệp các Hoạt động CPD cùng với công tác tổ chức Sát hạch cấp chứng chỉ cho KTS hành nghề, Hội KTS Việt Nam đã thành lập Trung tâm Phát triển Hành nghề Kiến trúc. Về Chương trình đào tạo CPD, Trung tâm đã tập hợp nhiều KTS, chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau nhằm nghiên cứu, công bố và thực hiện chương trình đào tạo hàng năm; liên kết với Hội KTS, Chi hội KTS các Tỉnh/ Thành phố để hoạt động CPD được nhân lên sâu, rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Các chương trình đào tạo CPD do Trung tâm Phát triển Hành nghề Kiến trúc (Trung tâm PTHNKT – Hội KTS Việt Nam) tổ chức đều được chuyển tải kịp thời đến Hội KTS, Chi hội KTS các Tỉnh/ Thành phố và các KTS hành nghề trên cả nước thông qua văn bản, thư điện tử, các trang thông tin điện tử của Trung tâm, kienviet.net, tạpchikientruc.com. Các KTS hành nghề rất thuận tiện đăng ký tham dự học CPD. Ngoài ra tại mỗi chương trình đào tạo CPD, đều có Zalo Group để Học viên – Ban tổ chức –Diễn giả trao đổi thông tin trước – sau chương trình.
Liên hệ với Trung tâm PTHNKT (Hội KTS Việt Nam), website: https://chungchihanhnghekts.com
ĐT: +84 2466864818, +84 913532561; Email: [email protected].
Chứng chỉ hoạt động xây dựng của KTS được gia hạn như thế nào?
Các KTS sử dụng Chứng chỉ hoạt động xây dựng – CCHĐXD để hành nghề (trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc công trình, thẩm tra thiết kế kiến trúc công trình) sẽ tuân thủ theo Điều 33. Điều khoản chuyển tiếp tại Nghị định 85/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ tháng 7/2020). Khi CCHĐXD hết thời hạn sử dụng, KTS sẽ được gia hạn (chuyển đổi sang chứng chỉ hành nghề kiến trúc – CCHNKT) nếu đảm bảo các quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục (tích đủ điểm CPD mỗi năm) và (không vi phạm) Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề. Các Sở quản lý chuyên ngành của Tỉnh/Thành phố sẽ xem xét khi sử lý hồ sơ xin gia hạn (chuyển đổi) của KTS sang CCHNKT bằng cách kiểm tra các hoạt động nghề nghiệp sau thời điểm hết hạn.
Theo khoản 4 Điều 63, Nghị định 15/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 03/2021, đến thời điểm CCHĐXD hết hạn, nếu cá nhân không hoàn thành thủ tục gia hạn trong vòng 03 tháng, sẽ phải lập hồ sơ để thi sát hạch như cấp mới từ đầu. Những KTS được gia hạn hoặc đã có CCHĐXD ngay trước tháng 7/2020 (sẽ hết hạn vào năm 2025) sẽ phải tuân thủ các điều kiện như đã nêu ở trên khi gia hạn (chuyển đổi) sang CCHNKT.
Các KTS có thể tìm hiểu thêm thông tin về quy định gia hạn CCHĐXD tại: https://dothi.reatimes.vn/de-nghi-gia-han-chung-chi-hanh-nghe-hoat-dong-xay-dung-20201224000006293.html
Vậy KTS cần tích điểm CPD từ khi nào?
Nghị định 85/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và đây chính là thời điểm cần tích điểm CPD theo quy định.
Như vậy, những KTS có nhu cầu gia hạn/chuyển đổi từ CCHĐXD sang CCHNKT đều phải tuân thủ các quy định về số lượng điểm CPD cần tích lũy tính từ ngày 01/7/2020.
Có thể tích điểm CPD tại Hội KTS các Tỉnh/ Thành phố?
Tại Điều 23. Phát triển nghề nghiệp liên tục – Luật Kiến trúc, có qui định: “Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này và đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề.”
Như vậy Hội KTS các Tỉnh/ Thành phố có đủ điều kiện pháp lý để tổ chức các hoạt động CPD, đánh giá và chứng nhận tích điểm CPD.
Tích điểm CPD theo hình thức “viết bài, viết sách báo trên Tạp chí chuyên ngành Kiến trúc” thế nào?
Các cơ quan cấp trên, như quy định tại Điều 23 Luật Kiến trúc, của các tạp chí, tổ chức chuyên môn chuyên ngành kiến trúc sẽ đánh giá và cấp điểm CPD. Các tạp chí, nhà xuất bản thuộc Bộ XD cũng sẽ là cơ quan đánh giá và cấp điểm CPD. Cấp điểm CPD thực hiện theo Quyết định số 04/QĐ-KTSVN, ngày 12/01/2021 của Hội KTS Việt Nam.
Chi tiết có thể truy cập tại website: Quy-dinh-bang-tinh-diem-CPD.pdf (chungchihanhnghekts.com)
Tích điểm CPD theo hình thức “hội nghị, hội thảo, viết chuyên đề tham luận…” thế nào?
Việc tham luận Hội nghị, Hội thảo, các tham luận được trình bày và các tham luận chỉ được đăng trong kỷ yếu có giá trị tính điểm khác nhau hay không? Làm thế nào để phân biệt Hội thảo cấp Quốc tế, cấp Ngành, cấp Hội, Viện nghiên cứu hay trường Đại học…?
Việc tính điểm CPD khi viết chuyên đề tham luận được trình bày/ đăng trong kỷ yếu tại Hội nghị, Hội thảo… dựa vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức các sự kiện CPD để đảm bảo tư cách pháp nhân và Bảng tính điểm CPD do Hội KTS VN ban hành theo Quyết định số 04/QĐ-KTSVN ngày 12/01/2021.
Chi tiết có thể truy cập tại website: Quy-dinh-bang-tinh-diem-CPD.pdf (chungchihanhnghekts.com)
Tính điểm CPD cho các công trình thiết kế của KTS hành nghề?
Công trình thiết kế của KTS hành nghề không thuộc đối tượng được tính điểm CPD. Nếu các công trình thiết kế này đạt giải thưởng kiến trúc Quốc tế, giải thưởng kiến trúc Quốc gia hoặc được đưa vào nghiên cứu, sáng chế khoa học… sẽ đủ điều kiện tính điểm CPD.
Chi tiết có thể truy cập tại website: Quy-dinh-bang-tinh-diem-CPD.pdf (chungchihanhnghekts.com)
Đánh giá khi tham gia các chương trình đào tạo CPD thế nào?
Hiện nay chưa có quy định về đánh giá hiệu quả tiếp thu của KTS tham dự chương trình đào tạo CPD. Đơn vị tổ chức chương trình chịu trách nhiệm về đánh giá và chứng nhận điểm. Tại nhiều chương trình CPD quốc tế, người tham dự phải thể hiện nhận thức và tư duy phản biện của mình thông qua trả lời các câu hỏi để tích điểm. Trong các chương trình CPD (offline/ online), Trung tâm PTHNKT (Hội KTS Việt Nam) đánh giá sự tham gia nghiêm túc của các KTS tham dự, thông qua điểm danh đầu giờ, theo dõi quá trình ngồi nghe và giao lưu tương tác…. Những học viên tham gia không đủ thời lượng sẽ không đạt yêu cầu nhận chứng chỉ điểm CPD. Tri thức sâu, rộng về thiết kế, sáng tác, công nghệ, kinh nghiệm hành nghề, phương pháp trình bày của diễn giả… là những yếu tố cần ưu tiên và chú trọng trước khi đánh giá học viên. Vì vậy, quan tâm đến nhu cầu chuyên môn một cách thiết thực, cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng, các KTS hành nghề đã tham dự đầy đủ và nhiệt tình vào các chương trình đào tạo CPD do Trung tâm PTHNKT tổ chức.
Như KTS Đặng Kim Khôi, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã nói: “Đào tạo CPD phải thực chất, không chỉ để cấp chứng chỉ”. Trung tâm PTHNKT sẽ luôn cung cấp các chương trình đào tạo CPD có chất lượng cao cho KTS hành nghề trên toàn quốc.
Tham khảo:
– https://chungchihanhnghekts.com
-https://www.tapchikientruc.com.vn/dien-dan/thao-go-cac-van-de-lien-quan-den-cap-chung-chi-hanh-nghe-kien-truc-va-dao-tao-nghe-nghiep-lien-tuc-tich-diem-cpd.html
– Nguồn: Tổng hợp